Thế nhưng không bao giờ chịu đầu hàng số phận, Linh (29 tuổi) tự học chữ, viết văn, làm thơ, xuất bản sách, tự học nghề làm hoa giấy, tranh giấy, thiệp giấy; chia sẻ yêu thương đến những phận đời kém may mắn khác. Mỗi ngày của Linh dù bị bệnh tật giày vò đau đớn nhưng vẫn rực rỡ như đóa hoa vươn về phía mặt trời.
Phải đi qua nhiều con đường quanh co mới đến được căn nhà đơn sơ giữa thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, H.Phong Điền. Trên chiếc giường hẹp sau cửa sổ là cô gái có đôi chân dặt dẹo, đôi tay yếu ớt nhưng gương mặt cương nghị với nụ cười cùng giọng nói điềm tĩnh, nhẹ nhàng: "Khi 1 tháng tuổi, em bị gãy chân lúc được mẹ bồng từ trong nôi ra. Kể từ đó, cơ thể em chỉ cần vận động mạnh, kéo mạnh là gãy xương, trật khớp, tay chân liên tục bị bó bột. Ba mẹ thường xuyên phải đưa em đến bệnh viện thăm khám, chạy chữa. Nhưng mỗi lần bó bột, bác sĩ kéo chân cho thẳng, em lại càng đau nhức hơn, chân càng thêm biến dạng. Phải đến năm 10 tuổi, lần đó em bị gãy xương nặng nhất, cuối cùng bác sĩ cũng tìm ra nguyên nhân căn bệnh và thông báo gia đình em bệnh xương thủy tinh".
Những đóa hoa giấy do Linh tự tay làm
Trên gương mặt cha Linh chi chít vết hằn khắc khổ, là "dấu vết" của xót đau lẫn niềm thương khắc khoải đối với núm ruột kém may của vợ chồng ông. "Lúc còn bé xíu, con bé có thể chập chững đi khi có người dìu. Hoặc có thể ngồi trên ghế hay thi thoảng được mẹ bồng đi chơi quanh xóm. Nhưng sau này, chỉ cần va chạm rất nhẹ cũng khiến cơ thể nhỏ bé đau đớn. Để tránh gãy xương, bác sĩ yêu cầu nằm im trên giường. Vậy là từ đó, cuộc sống của Linh gắn chặt với chiếc giường nhỏ. Nhìn đứa con lẽ ra được thỏa thích chạy nhảy nô đùa, được cắp sách đến trường với thầy cô, bạn bè, được học hành, vui chơi, để có một thế giới tuổi thơ tươi đẹp như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi, nhưng lại phải suốt ngày nằm im giữa những bức tường, người làm cha làm mẹ như chúng tôi đau lòng đến quặn thắt", ông tâm sự.
Nhưng gương mặt của người cha trở nên ngời sáng khi kể dù không thể đến trường, Linh tự mày mò học chữ. Đôi tay bé xíu cần mẫn nắn nót từng dòng. Cô nhoẻn nụ cười trong veo, trải lòng về cách vượt lên nghịch cảnh, để yêu thương cuộc sống và làm một người có ích. Hằng ngày qua ô cửa sổ, ngắm nhìn khu vườn xanh mướt, cô biết ơn những giọt mồ hôi, nỗi nhọc nhằn mưu sinh của cha mẹ. Ngắm nhìn ánh nắng ngập tràn hay cơn mưa giá rét, thế giới của cô mở rộng rất nhiều cung bậc cảm xúc. Cô tìm đến với người bạn, người thầy là những trang sách, là kiến thức trên mạng xã hội. Cũng từ đây, "cô gái xương thủy tinh" dù phải "dính chặt" với chiếc giường đã có thể kết nối với nhiều bạn bè, trong đó, không ít người cùng cảnh ngộ sẻ chia, khích lệ nhau. Từ những rung cảm yêu thương, Linh viết văn, làm thơ, chuyển tải vào những bài thơ, trang văn tình yêu tha thiết đối với con người, cuộc sống và biết bao ước mơ, hy vọng.
Trong cuộc thi viết "Mở sách, mở tương lai" hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ 7, tác phẩm Hiểu về trái tim của Linh nhận được giải ba; hay trong cuộc thi thơ của Diễn đàn Sống là trải nghiệm, bài thơ Những giai điệu tâm hồn của Linh được bình chọn là tác phẩm xúc động nhất. Đó là những sự khích lệ quý giá để Linh tiếp tục vững bước trong cuộc đời.
Những tản văn của Linh được tập hợp lại, in thành sách. Tập tản văn Khoảng lặng mùa trăng của "cô gái xương thủy tinh" được đông đảo bạn đọc cả nước đón nhận, nhất là những người có hoàn cảnh như em. Họ tìm thấy ở Linh một nghị lực sống phi thường, luôn mạnh mẽ đối diện với khó khăn của số phận và kiên cường vượt qua. Cuốn sách tiếp thêm sức mạnh cho những phận người đang chung sống với nghịch cảnh, vươn lên và không bao giờ nói câu từ bỏ.
Bìa tập tản văn của Linh
Bản thân Linh từng thêm một lần rơi vào suy sụp khi người mẹ mà cô rất đỗi yêu thương, kính trọng bị căn bệnh ung thư cướp đi mạng sống. Chuỗi ngày chìm trong đau đớn của mất mát lớn lao nhất cuộc đời rất dài, nhưng cô đã thêm lần nữa mạnh mẽ vượt qua khủng hoảng. "Em phải cố gắng sống thật tốt để mẹ được yên lòng, để không phụ lòng yêu thương của gia đình và tất cả mọi người", Linh bộc bạch.
Ai từng chứng kiến cuộc sống của bệnh nhân mắc căn bệnh xương thủy tinh quái ác; đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm đằng đẵng, chỉ có thể nằm im trên giường, tưởng chừng trở mình hơi mạnh, cũng khiến xương bị gãy đau đớn, chắc có lẽ không khỏi rơi vào cảm giác sợ hãi, tuyệt vọng. Vậy mà, trên chiếc giường đơn sơ, cô gái đầy nghị lực ấy mỗi ngày vẫn chăm chỉ lao động, làm hoa giấy, tranh giấy, thiệp giấy, không chỉ để phụ gia đình kiếm sống, mà còn trích một phần nhỏ thu nhập chia sẻ yêu thương đến những mảnh đời kém may khác.
Nhìn đôi tay yếu ớt nhưng kiên nhẫn dán từng cánh hoa, tập trung cao độ đến nỗi mồ hôi rịn lấm tấm trán, mới "thấm" được nghị lực của "cô gái xương thủy tinh". Tay yếu và thiếu linh hoạt nên để làm công việc thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, Linh phải nỗ lực gấp nhiều lần. Có hôm, sau khi tập trung làm mấy tiếng đồng hồ liền, đêm đến tay chân đau, mắt cũng đau, nhưng sáng hôm sau, Linh lại vẫn tiếp tục công việc, để những đóa sen, cúc, hướng dương…, lần lượt nở rộ rạng rỡ trên bàn tay cần mẫn.
Tự học làm hoa giấy, tranh hoa giấy, thiệp hoa giấy trên mạng xã hội, sau đó mày mò sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đa dạng, nên sản phẩm của Linh được nhiều người yêu thích. Linh kể mỗi bông hoa sen, hoa hướng dương có giá 70.000 đồng, cô phải mất từ 3 - 4 tiếng để hoàn thành, trừ chi phí hết một nửa, số tiền còn lại Linh phụ ba trang trải cuộc sống và thuốc thang cho bản thân. Dù thu nhập không nhiều, nhưng bằng tấm lòng thơm thảo, mỗi lần nhận được tiền bán hoa giấy, em luôn trích một phần để giúp đỡ những người khó khăn hơn.
Trong group của Linh và những người bạn thân của cô, những người có hoàn cảnh như Linh, mỗi người đôi khi chỉ góp 10.000, 20.000, có khi 50.000, 100.000 đồng... Đó không chỉ là những con số mà là yêu thương, sẻ chia quý giá đến những mảnh đời kém may. Linh "khoe" vừa rồi em bán một group do em xây dựng và quản trị lâu nay, toàn bộ số tiền đều được đóng góp vào quỹ của nhóm, để dành giúp đỡ những người khó khăn.
"Em hy vọng, sự giúp đỡ của mình, dù rất nhỏ, nhưng đó là sự động viên tinh thần, là lời nhắn gửi, thông điệp yêu thương để một người đang bệnh tật khó khăn, được tiếp thêm động lực vượt qua cơn neo khó. Mỗi người làm một việc có ích là một chiếc lá, nhiều chiếc lá sẽ thành rừng xanh. Mỗi sự sẻ chia là một giọt nước, nhiều giọt nước có thể hợp thành sông, suối", Linh chia sẻ. Khi nói về điều đó, ánh mắt cô như có nắng; gương mặt rạng rỡ khiến người ta hình dung đến đóa hoa vươn về phía mặt trời.