Nắm bắt xu thế cuộc cách mạng 4.0, từng bước thay đổi thói quen trong tiếp cận công nghệ mới, nhiều cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh thực hiện phương pháp quét mã QR để tiếp nhận thông tin đại hội đoàn thanh niên nhiệm kỳ 2022 - 2027 thay vì in và đọc các tài liệu bằng giấy.
Theo đó, bộ tài liệu đại hội với tất cả các thông tin từ chương trình đại hội, báo cáo chính trị, danh sách tham dự, phân bổ chỗ ngồi đại biểu... được ban tổ chức gom lại qua một mã QR. Mã QR này được in lên một góc nhỏ trên giấy mời, thẻ đại biểu, các tài liệu in khác của đại hội để đại biểu có thể kịp thời khai thác. Như vậy, chỉ 1 giây quét mã QR trên smartphone hoặc ipad, đại biểu có thể nhanh chóng có các thông tin liên quan đến đại hội.
Trước đó, nhiều hội nghị của tổ chức đoàn các cấp đã thực hiện quét mã QR để khai thác tài liệu, thế nhưng khi về với nhiều xã, thôn không ít người sẽ phải ngỡ ngàng bởi sự hiện đại trong cung cấp thông tin.
Ông Nguyễn Đức Luân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) cho biết: Dự đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên xã, các đại biểu quét mã QR để lấy tài liệu. Đây là cách làm tiện ích, mới mẻ. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, tôi có thể nghiên cứu tài liệu mọi lúc, mọi nơi dễ dàng. Hơn nữa với phần mềm này, dữ liệu được lưu trữ không giới hạn về dung lượng và thời gian, mang lại nhiều tiện dụng cho cả người gửi và người dùng. Thậm chí, tài liệu đại hội còn được khai thác từ sớm ngay khi mã QR được gửi đến, chứ không chỉ chờ phát tài liệu khi khai mạc đại hội. Việc quét mã QR này đã tiết kiệm được chi phí in ấn. Số tiền này có thể chia sẻ đến các hoạt động an sinh xã hội của đoàn.
Thực tế những năm gần đây, các hoạt động và phong trào thanh niên của Thái Bình ngày càng được đổi mới dựa trên nền tảng số. Cụ thể như việc tổ chức các cuộc họp, tập huấn bằng hình thức trực tuyến đã tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều cuộc thi, ý tưởng khởi nghiệp, thông tin cơ sở, gương điển hình, chiến dịch thanh niên tình nguyện... được đăng tải rộng khắp trên hệ thống website, mạng xã hội, đã tạo sức lan tỏa, kết nối và tác động xã hội rộng rãi. Cũng qua đó giúp các bạn trẻ được định hướng, nâng cao khả năng tiếp cận, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội một cách hiệu quả, thiết thực.
Từ tháng 3/2022, phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên đã được các cấp bộ đoàn ứng dụng. Mỗi cấp bộ đoàn được đoàn cấp trên trực tiếp tạo lập tổ chức, cấp tài khoản để truy cập và thực hiện các nghiệp vụ về công tác đoàn viên thuộc thẩm quyền xử lý.
Theo đó, phần mềm số hóa 12 nghiệp vụ: kết nạp đoàn viên mới; chuyển đi, chuyển đến; trưởng thành đoàn; xóa tên đoàn viên; chương trình rèn luyện đoàn viên; đánh giá, xếp loại đoàn viên; đoàn viên danh dự; đoàn viên ưu tú; khen thưởng, kỷ luật; đoàn viên đi làm ăn xa; sinh hoạt đoàn nơi cư trú; sinh hoạt đoàn tạm thời.
Chị Phạm Thị Hải Yến, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Được thiết kế dưới hình thức website, tích hợp với ứng dụng thanh niên Việt Nam, phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên không chỉ giúp việc quản lý đoàn viên được thuận lợi, dễ dàng mà còn cung cấp các thông tin chính trị, kinh tế - xã hội, thông tin hoạt động của đoàn các cấp, các chương trình giải trí. Sau này có thể tổ chức các cuộc thi trực tuyến, đây dần là sân chơi lành mạnh của đoàn viên, thanh niên.
Chủ động vượt qua khó khăn, nắm bắt những cơ hội chuyển đổi số mang lại, nhiều thanh niên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi tạo ra những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chất lượng, từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Anh Đào Nhân Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất sữa dê Tín Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đã gắn mã định danh cho từng con dê, từ đó dễ dàng truy ra nguồn gốc phục vụ việc chăm sóc, phòng bệnh, theo dõi sinh trưởng, sản lượng sữa thu được của từng con. Ngoài ra, anh cũng lắp đặt hệ thống camera theo dõi; dùng phần mềm cho dê nghe nhạc, đặt lịch chăm cỏ cho dê; dùng các máy móc tự động chế biến các sản phẩm từ sữa dê; quảng bá sản phẩm trên facebook, zalo. Nhờ đó sản lượng, chất lượng sữa tăng lên, sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều, mỗi năm cơ sở thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng.
Anh Nghĩa dự định sẽ xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đầu tư máy móc hiện đại theo hướng tự động hóa. Theo anh Nghĩa, ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm được khoản chi phí lớn do cắt giảm được tiền thuê nhân công, chủ động được việc chăm sóc vật nuôi, nhất là trực tiếp có mặt trang trại hay không thì việc theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại.
Theo anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn: Việc chuyển đổi số sẽ được các cấp bộ đoàn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: số hóa phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn viên, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tổ chức hội nghị, đại hội thanh niên không giấy tờ, quét mã QR đọc tài liệu; số hóa việc học tập các nghị quyết, tài liệu, văn bản các cuộc họp; vận hành các trang thông tin điện tử trên các fanpage, zalo; tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo theo hình thức livestream hoặc sử dụng các phần mềm online kết nối với các cơ sở đoàn...
Với sức trẻ, tinh thần chủ động, nhiệt huyết, tuổi trẻ Thái Bình sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng của tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.