Gương người tốt việc tốt
Ông Tăng vượt lên nghịch cảnh
17/07/2023 15:07
120 0
Trở về sau chiến tranh với một bên mắt bị mù vĩnh viễn, đến năm 1998, chút ánh sáng ít ỏi cuối cùng cũng mãi mãi rời xa người thương binh nặng Trương Công Tăng (xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy). Tưởng chừng cuộc sống sẽ khép lại nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường của mình, ông Tăng đã vượt qua mặc cảm, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương cho nhiều người học hỏi và noi theo.


Năm 1978, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Trương Công Tăng lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Không may, mảnh đạn B41 bắn vào làm ông vĩnh viễn mất đi một bên mắt. Năm 1984, xuất ngũ với một bên mắt còn thấy mờ mờ, gia tài là chiếc ba lô và những mảnh đạn còn nằm trong cơ thể. Mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương tái phát lại hành hạ ông. Cái đói, cái nghèo hiện hữu trong ngôi nhà đơn sơ của người thương binh nặng. Hai vợ chồng ông nai lưng ra làm mà vẫn thiếu trước, hụt sau. 

Ông Tăng tâm sự: Bấy giờ cuộc sống khó khăn lắm, trăn trở suy nghĩ về chặng đường mưu sinh trước mắt, tôi nhận ra không đâu bằng tự lực vươn lên. Động viên vợ mở một quán nước nhỏ, tôi thì cố gắng tận dụng chút ánh sáng ít ỏi còn lại buôn bán ngược xuôi với quyết tâm thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu để nuôi con ăn học. Năm 1986, tôi chuyển sang làm máy xay xát, hai vợ chồng tôi bền bỉ làm lụng, cuộc sống gia đình dần ổn định.

Nhưng số phận lại một lần nữa thử thách lòng kiên trì của vợ chồng ông. Năm 1998, vết thương tái phát, bao nhiêu của cải, máy móc gia đình đều phải bán hết để chạy chữa cho ông nhưng nguồn ánh sáng ít ỏi còn lại cũng đã vĩnh viễn rời xa, trước mắt ông chỉ còn là bóng đêm. Năm 2000, tình cờ ông biết đến Hội Người mù huyện Thái Thụy. Ông được học chữ nổi, học nghề, được chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ, thế rồi cuộc sống, tinh thần cũng dần ổn định. Tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của Hội Người mù huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2003 ông đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng, kết hợp cùng với số tiền giúp đỡ của anh em, bạn bè để phát triển kinh tế bằng mô hình kinh doanh dịch vụ đồ gỗ mỹ nghệ. Thời gian đầu, mọi thứ gặp rất nhiều khó khăn, mối lấy hàng chưa có nhiều, mọi người còn e ngại bởi tâm lý một người khiếm thị như ông đi bán đồ nội thất thì làm sao tạo được niềm tin về chất lượng của sản phẩm. Lượng người mua hạn chế, nhiều lúc ông cũng nản chí nhưng nghĩ tới cuộc sống gia đình, con cái ăn học đã tiếp thêm cho ông sức mạnh. Không chịu đầu hàng trước khó khăn, ông đã mày mò, kiên trì đi khắp các làng nghề đồ gỗ để xem hàng. Bàn tay chai sạn lần mò trên từng cánh tủ, thành ghế, những hoa văn chạm khắc. Qua những lần đi tham khảo thị trường, trực tiếp đi lấy sản phẩm, vợ chồng ông đã lấy được những sản phẩm chất lượng, bền đẹp. Những sản phẩm chưa ưng ý, ông cùng vợ con sửa chữa lại. Từ đó, uy tín của cửa hàng ngày một nâng lên, khách hàng ngày một đông hơn. Với phương châm phát triển lâu dài và bền vững, ông đã từng bước đa dạng sản phẩm, từ những đồ mộc thô sơ, nội thất bình dân đến những sản phẩm đắt tiền đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ về bí quyết kinh doanh, ông Tăng cho biết, nhà ông chủ yếu lấy hàng thô, khi về sẽ tiến hành công đoạn quật, vật, phun lót và phun bóng. Trải qua bao vất vả khó khăn, từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng, mô hình phát triển kinh doanh dịch vụ đồ gỗ nội thất đã đem lại cho gia đình ông doanh thu mỗi năm trên 330 triệu đồng. Khát vọng xóa nghèo, vươn lên tự khẳng định mình của ông đã trở thành sự thật. Cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn, con cái được học hành đầy đủ và phương trưởng, có việc làm ổn định. Vợ chồng ông có điều kiện chăm sóc cha mẹ già.

Ông Tăng chia sẻ thêm, với mức thu nhập như hiện nay từ việc kinh doanh cộng với chế độ đãi ngộ hàng tháng của Nhà nước dành cho thương binh nặng thì vợ chồng ông có cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, ông vẫn cần mẫn, chịu khó làm việc bởi ông luôn tâm niệm sự nỗ lực của bản thân ngoài mục tiêu phát triển kinh tế gia đình thì còn làm gương để con cái và những người cùng cảnh ngộ thấy được sự cố gắng, không đầu hàng trước nghịch cảnh. Dù số phận không cho ta đôi mắt sáng nhưng nếu cứ bền bỉ, chịu khó thì sẽ đạt được thành công.

Nhận xét về ông Trương Công Tăng, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng thôn Văn Hàn Tây, xã Thái Hưng cho biết: Ông Tăng là tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên. Mặc dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng như bao người khác nhưng ông rất chịu khó, nhạy bén trong kinh doanh. Bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các phong trào tại địa phương.

Ông Vũ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thái Thụy chia sẻ: Ông Trương Công Tăng là tấm gương điển hình về ý chí, nghị lực, là người cần cù lao động, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh của số phận. Ông Tăng còn đóng góp nhiều ý kiến thiết thực góp phần vào phong trào chung của Hội Người mù huyện Thái Thụy, đem lại nhiều quyền lợi cho hội viên tại cơ sở.




bình luận

Tỉnh đoàn Thái Bình

Địa chỉ: Số 15, Đường Hoàng Diệu, phường Lê Hồng Phong, Thái Bình, Vietnam
Điện thoại: 0227 3831 238
Email: trinhthanhit@gmail.com
© Bản quyền thuộc về Tỉnh đoàn Thái Bình.