Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn, Phạm Tiến Lịch đã sớm phải lao động để phụ giúp gia đình. Năm 19 tuổi, anh không may bị tai nạn lao động, phải cắt chân phải. Biến cố xảy ra đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của anh. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh trở thành người khuyết tật, không có việc làm. Điều này khiến anh cảm thấy rất chán nản, tự ti, có những lúc tưởng chừng không có lối thoát. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, giúp đỡ của người thân, bạn bè, sau một thời gian dài chữa trị, anh đã lấy lại được tinh thần. Vực dậy bản thân sau chuỗi ngày khó khăn, anh tự nhủ mình phải làm được một công việc gì đó để nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Tận dụng mảnh đất sẵn có của gia đình, thời gian đầu anh Lịch nuôi ngan, ngỗng, chim bồ câu... nhưng hiệu quả không cao. Năm 2004, anh quyết định chuyển sang nuôi lợn và gà thương phẩm. Nhớ về những ngày đầu chăn nuôi lợn, gà, anh cho biết: Tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật nuôi. Do đó, việc chăn nuôi không hiệu quả, thậm chí còn bị lỗ vốn do lợn, gà thường xuyên bị bệnh chết. Lúc ấy tôi rất lo lắng vì có thể mình sẽ lại thất bại giống với vật nuôi trước đó. Chính vì vậy, tôi đã quyết định đi học hỏi những người có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi ở các trang trại lớn trong và ngoài huyện, kết hợp với học trên sách vở, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Dần dần, việc chăn nuôi cho kết quả khả quan.
Từ vài chục con gà ban đầu, đến nay anh Lịch đã mạnh dạn vay vốn, phát triển quy mô đàn gà lên đến gần 1.000 con, chủ yếu là giống gà ri lai và hơn 60 con lợn thịt trên diện tích 500m2. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí anh thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng.
Anh Phạm Tiến Lịch cho biết thêm: Nguồn thu nhập từ chăn nuôi đã giúp gia đình tôi xây dựng được nhà cửa kiên cố, có của ăn của để, con cái yên tâm học hành. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô đàn gà từ 1.000 con lên 2.000 con, đàn lợn thịt khoảng 100 con để góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Thành quả anh Phạm Tiến Lịch đạt được ngày hôm nay đã thể hiện sự cố gắng không ngừng vươn lên đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Bằng ý chí và nghị lực, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh như anh Phạm Tiến Lịch đã vươn lên phát triển kinh tế, tạo động lực cho nhiều người khuyết tật noi theo. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương có nhiều giải pháp để hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp, có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quan tâm, chăm lo đời sống cho người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.