Để có được doanh thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm, CCB Nguyễn Văn Đạo, thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Ông cho biết: Sau khi đi tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm, tôi quyết định về quê tích tụ ruộng đất xây dựng gia trại với diện tích hơn 5.000m2 nuôi 8.000 con gà đẻ/năm, đồng thời đầu tư 12 máy ấp nở trứng gia cầm, xây dựng ao nuôi, nhà lưới để trồng các loại cây ăn quả theo hướng VietGAP; liên kết với nhiều bạn bè ở Tiền Hải, Kiến Xương để nuôi gia công cho gia đình. Để tỷ lệ gà đẻ đạt hơn 70%, tôi đầu tư hệ thống chuồng nuôi khép kín, điều chỉnh nhiệt độ nuôi cho thích hợp từng mùa, sử dụng thêm chế phẩm vi sinh để tạo độ tơi xốp cho đệm lót sinh học, hạn chế mùi hôi ở chuồng nuôi, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho đàn gà. Sau khi trừ chi phí, mô hình của tôi thu về hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Còn với thương binh hạng 4/4 Nguyễn Xuân Phưởng, tham gia phát triển kinh tế chính là cách rèn luyện thân thể, giữ cho đầu óc luôn minh mẫn khi tuổi đã cao, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Từ một cơ sở sản xuất da giày nhỏ tại thành phố Thái Bình, ông đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã, bắt kịp xu thế thị trường nên số lượng sản phẩm xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, CCB Nguyễn Xuân Phưởng đang xây dựng nhà xưởng tại xã Đông Động (Đông Hưng), nâng tổng số nhà máy gia đình ông xây dựng lên 6 nhà máy, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động với thu nhập bình quân 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông chia sẻ: Môi trường quân ngũ giúp tôi có bản lĩnh vững vàng khi ra thương trường, nhất là đáp ứng được yêu cầu của khách hàng phương Tây. Mặt hàng của chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Canada nhưng cũng phân phối tại thị trường nội địa như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong sản xuất, kinh doanh, tôi luôn coi trọng chữ tín, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, chính nhờ phương châm này mà chất lượng sản phẩm ngày càng cao, hiệu quả sản xuất tăng. Năm 2021, Công ty TNHH Da giày Thành Phát của tôi vinh dự được nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt, lọt top 200 thương hiệu tiêu biểu Việt Nam, đây là vinh dự rất lớn đối với Công ty và cũng là động lực, cơ hội mở ra để chúng tôi phát triển hơn nữa.
Ông Lê Văn Điềm, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Dù ở mặt trận nào thì mỗi cán bộ, hội viên CCB luôn gương mẫu, trách nhiệm, tham gia với tất cả khả năng của mình. Nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất VAC, làm chủ các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Hội CCB tỉnh chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào “CCB gương mẫu” gắn với phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, qua đó thu hút đông đảo hội viên tham gia. Trong 5 năm 2016 - 2021, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 1.068 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 97.739 lượt hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Về vốn, Hội CCB tỉnh hiện đang quản lý 437 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 12.884 hộ vay, dư nợ hơn 460 tỷ đồng. Toàn hội hiện có 36 gia đình hội viên tham gia tích tụ ruộng đất cấy lúa, trồng cây dược liệu 186,7ha... Tổng kết phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” lần thứ V, giai đoạn 2016 - 2021 có 23 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội CCB Việt Nam và UBND tỉnh.
Tích cực phát triển kinh tế, đời sống được nâng lên, hội viên CCB có điều kiện tham gia các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm 2016 - 2021, các cấp hội đã vận động, hỗ trợ sửa chữa và xây mới 102 nhà tình nghĩa với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng; ủng hộ quỹ vì người nghèo các cấp, quỹ vì nạn nhân chất độc da cam, quỹ phòng, chống dịch Covid-19, quỹ khuyến học... với tổng số tiền hơn 28,3 tỷ đồng.
Năm 2022 là năm diễn ra đại hội hội CCB các cấp nhiệm kỳ 2022 - 2027, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, hội viên và cũng là dịp để Hội CCB tỉnh đánh giá kết quả thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, khắc phục những tồn tại, hạn chế để những năm tiếp theo triển khai phong trào một cách hiệu quả, thiết thực, thu hút được nhiều hội viên tham gia. Để làm được điều đó, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực thi đua lao động sản xuất; hỗ trợ hội viên về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm..., qua đó giúp hội viên nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hóp phần phát triển kinh tế - xã hội.