Công tác giáo dục
Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn
30/10/2023 09:10
311 0
1. THÂN THẾ SỰ NGHIỆP LÊ QUÝ ĐÔN
Lê Quý Đôn nguyên tên là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày 5/7 năm Bính Ngọ (tức ngày 2/8 năm 1726) niên hiệu Bảo Thái thứ 7, ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), là con của Lê Phú Thứ, sau đổi là Lê Trọng Thứ, đậu tiến sĩ năm Bảo Thái thứ năm (1724), làm quan đến Hình bộ thượng thư phong tước hầu.
Từ thuở nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng. Các sách nói về Lê Quý Đôn có chép nhiều truyền thuyết về sức cường ký của tiên sinh: 2 tuổi đã biết đọc chữ “hữu” và chữ “vô”, 5 tuổi đã học được nhiều bài trong Kinh thi, 11 tuổi học sử, mỗi ngày thuộc được tám, chín mươi chương, 14 tuổi học hết Ngũ Kinh, Tứ thư, Sử, Truyện và đọc đến cả Chư tử. Năm Cảnh Hưng nguyên niên (1739), theo cha lên học kinh đô, đến năm 18 tuổi (1743) đỗ giải nguyên. Sau đó ở nhà dạy học và làm sách (1 trăm thiên). Năm Cảnh Hưng 13 (1752) Lê Quý Đôn 27 tuổi, thi Hội đậu đầu và thi Đình cũng đậu đầu (bảng nhãn) tức Tam Nguyên.
Sau khi thi đỗ, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức thụ thư ở Viện Hàn Lâm. Năm 1754, mùa xuân được sung vào ban Toản tu Quốc sử. Năm 1756, phụng mệnh đi liêm phóng ở trấn Sơn Nam, phát hiện được 6,7 viên quan ăn hối lộ. Đến tháng 5 năm ấy được biệt phái sang Phủ chúa, coi phiên binh, đến tháng 8 lại được sai đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng hóa.. đem cơ Tả dự tiến hành việc quân sự. Lúc về triều, dâng bài điều trần 19 khoản nói về chức chưởng phiên binh. Chúa Trịnh khen là am hiểu điều lệ Nhà nước, thưởng cho 50 lạng bạc.
Năm 1757, được thăng chức thị giảng viện Hàn Lâm. Năm  21 Cảnh Hưng (1760) Thái Thượng hoàng (Lê Ý Tông) mất, triều đình sai 1 sứ bộ do Trần Huy Mật và Lê Quý Đôn dẫn đầu sang nhà Thanh báo tang và dâng lễ cống.
Năm 22 Cảnh Hưng (1761) sứ bộ đến Bắc Kinh nhập cận (yết kiến hoàng đế). Lúc bấy giờ có những nho thần nhà Thanh như Lương Thi Chính, Binh bộ Thượng thư: Quy Hữu Quang (đỗ sĩ làm công bộ thượng thư, một nhà nghiên cứu văn tự cổ đời Thanh) và nhiều ở viện Hàn Lâm, viện Đô Sát, nghe nói Lê Quý Đôn đến, đến sứ quán thăm hỏi.
Khi sứ bộ ta qua các phủ, châu trên nội địa Trung Quốc, Lê Quý Đôn nhận thấy, trong các văn tư của quan tại trung Quốc, đều dùng lời khinh bỉ gọi sứ bộ ta là “Di quan, di mục” nghĩa là “bọn quan lại mọi rợ”. Khi sứ bộ trở về Quế Lâm, Lê Quý Đôn viết thư cho các quan đầu tỉnh Quảng Tây phản kháng lối dùng từ “Di ”ấy, đòi họ tư giấy cho tả giang đạo và các phủ, châu phải đổi lại nghi thức cũ: không gọi là Di. Viên bố chánh là Diệp tôn Nhân chịu là phải và đề nghị lên cấp trên làm công văn sức cho khắp nơi, từ đó về sau chỉ được gọi là “An Nam cống sứ”.
Năm 23 Cảnh hưng (1762) Lê Quý Đôn về triều được thăng thưởng quan Hàn Lâm viện thừa chỉ. Lúc bấy giờ văn thư và sách vở của triều đình bị thất lạc đi rất nhiều, cho nên có nghị định lập ra “bị thư các” để thu thập và lưu giữ. Lê Quý Đôn được chọn làm chức học sĩ của bí thư các, đồng thời với Lê Trạch hầu là Nguyễn Bá Lâu. Năm 1764, Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết định pháp chế.
Năm 25 Cảnh Hưng tháng 5, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức đốc đồng xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh). Theo Tiểu sử và phả ký, thì bấy giờ ở Kinh Bắc có nhiều nhà quyền quý áp bức dân nghèo, Lê Quý Đôn đến nhận chức thì cầm riết lễ lạc và ức chế các hào tộc, dân nghèo rất được nhờ.
Năm 26 Cảnh Hưng, được bổ nhiệm làm chức tham chính xứ Hải Dương, Lê Quý Đôn từ tạ không đi và xin miễn quan về nghỉ.
Năm 28 Cảnh Hưng (1769) Lê Quý Đôn được khôi phục chức Thị thư và tham gia biên tập Quốc sử kiêm chức tư nghiệp Quốc tử giám. Năm 29 Cảnh Hưng, Lê Quý Đôn làm xong bộ sách Toàn Việt thi lục dâng lên ngự lãm lại được thưởng 20 lạng bạc.
Năm 30 Cảnh Hưng tháng 8, bộ tướng của Lê Duy Mật là Lê Đình Bản tự Trấn Ninh đem quân xuống Thanh Hóa cướp, triều đình cử Phan phái hầu làm đốc lĩnh, Lê Quý Đôn làm tán lý quân vụ đem quân đi đánh dẹp. tháng 9, quân Lê Quý Đôn đại phá quân Lê Đình Bản tại núi Đồng Cổ 
Năm 31, Lê Quý Đôn thống lĩnh quân kinh và quân thổ hơn 9000 người đánh quân Lê Đình Bản phải hàng.Lê Duy Mật cùng quẫn tự tử, Lê Quý Đôn được thăng chức Thị phó đô ngự sử. Tháng 6 năm ấy lại được thăng chức Công bộ hữu thị lang. tháng 7, Lê Quý Đôn dâng sớ xin tổ chức đồn điền.
Tháng 9 Cảnh Hưng (1774), Trịnh Sâm thân chinh đánh Thuận Hóa, để Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn hoãn, Nguyễn Đình Huân làm chức lưu thủ kinh đô. Trước khi xuất chinh, phàm những trình tự tiến chinh, thiết quân mệnh tướng, hịch, dụ, văn thư…đều do tay Lê Quý Đôn làm cả. trong thời gian lưu thủ, Lê Quý Đôn công bố 24 điều khoản thân sức đồn phòng và mỗi ngày lo việc điều vận lương thực, tuyển bổ quân sĩ, rất là bận rộn, mà mọi việc đều xong xuôi, nhờ có 1 tinh lực hơn người. tháng 12 năm ấy, đại quân khắc phục Thuận Hóa. Sang năm Cảnh Hưng Chúa Trịnh ban sự và Lê Quý Đôn được thăng chức Lại bổ tạ thị lang, kiêm Quốc sử quán tổng tài.
Năm 39 Cảnh Hưng (1778) được bổ nhiệm chức hành tham tụng. Lê Quý Đôn cố xin từ, xin đổi sang võ ban, bèn được chao chức Hữu hiệu điểm, quyền phủ sự, phong tước Nghĩa phái hầu.
Năm 42 Cảnh Hưng (1781), Lê Quý Đôn lại sung chức Quốc sử tổng tài, đến năm 44 Cảnh Hưng lại bổ ra làm chức hiệp trấn sứ Nghệ An, được 1 năm lại bị gọi về triều, rồi được thăng chức Công bộ thượng thư.
Ngày 14 tháng 4 năm 45 Cảnh Hưng (1784), Lê Quý Đôn mất ở làng Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên tức là sinh quán của bà họ Trương thân sinh ra Lê Quý Đôn. Thi hài của ông được đưa về mai táng ở quê nhà. Ông sinh được 4 người con: Lê Quý Thao, Lê Quý Tá, Lê Quý Nghị và Lê Quý Kiệt.
Ông để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách bao quát mọi mặt của đời sống xã hội như: nông học, xã hội học lịch sử, địa lý..... Ông là con người làm việc không biết mệt mỏi, ông không ngừng học hỏi và ghi chép. Dù ở đâu trong hoàn cảnh nào, Lê Quý Đôn cũng chăm lo việc đọc sách và viết sách, ông là thư viện sống của nước ta hồi thế kỷ 18. Ông mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Ông là một trong những ngôi sao sáng trong bầu trời văn hoá Việt Nam( đánh giá của đ/c Trường Chinh).
2. TÓM TẮT DI TÍCH
Cách thành phố Thái Bình khoảng 35km về phía Bắc, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn thuộc thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật, dấu tích từng gắn bó với nhà bác học - danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn gồm nội sinh Từ Đường, Hồ Lê Quý và Phần mộ Phụ thân Lê Quý Đôn xã Độc lập, huyện Hưng Hà.
Ngoài ra, còn có thư viện để lưu trữ những cuốn sách cụ để lại, đặc biệt là những cuốn sách hiếm về địa lý, văn học,... Thông thường, tại khu lưu niệm sẽ mở cửa thư viện vào những ngày thứ 5, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần để học sinh của địa phương đến đọc sách. Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, biểu thị lòng tự hào và sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đối với nhà bác học Lê Quý Đôn.
Khu Lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được Bộ Văn Hoá (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia theo quyết định số 235/VHQĐ ngày 12 tháng 12 năm 1986.
3. Kiến Trúc
- Từ Đường được xây dựng từ thời Lê, trùng tu nhiều lần thời Nguyễn, tu bổ vào các năm 1996, 2002, 2006, 2008, 2011,2014
- Từ đường Lê Quý Đôn tọa lạc trên diện tích 14801m2,  được thiết kế theo hệ tam cung: Cung tiền, cung trung và cung hậu. Ngay cổng vào từ đường là dòng chữ " Lê tướng công cố trạch", tức là nhà cũ của Lê Trọng Thứ cụ thân sinh ra bảng nhãn Lê Quý Đôn. Tòa Đại Bái được xây dựng gồm 3 gian được làm theo kiểu hồi văn 3 đấu, kiến trúc theo kiểu" kèo cầu chùa báng" trạm gỗ bình thường chủ yếu là bào trơn đóng bén.  Phía bên trái toà bái đường là nơi lưu giữ cây phả hệ họ Lê và là nơi lưu giữ  bút tích các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước tới thăm viếng như" đ/c Đỗ Mười, đ/ c Nguyễn Thiện Nhân, đ/c Bùi Sỹ Tiếu, nhà thơ Tố Hữu...
 Ba gian của toà bái đường được trang trí các bức hoàng phi, thứ tự từ phải sang trái là: Văn đức vũ công, Hải đức sơn công, Quang tiền dụ hậu.
+ Tại sân trước của từ đường là hai nhà đặt bia: Một bên là bia" hà quốc công bi kí", được làm vào năm Tự Đức thứ 12( 1860) do cử nhân Phạm Chi Hương- cháu ngoại của Lê Trọng Thứ soạn lời. Một bên là nhà bia ghi tiểu sử nhà bác học Lê Quý Đôn và bài lưu bút của đ/c Đỗ Mười - Tổng bí thư ban chấp hành trung ương ĐCSVN về thăm từ đường năm 1996. Tấm bia này do gia tộc và bảo tàng tỉnh Thái Bình làm tháng 01 năm 1999.
+ Trong cung trung có khá nhiều câu đối ca ngợi công đức của Lê Quý Đôn. Điều đặc biệt là nơi đây còn lưu giữ bức đại tự chữ Hán đề 4 chữ: " Văn hiến truyền gia" do triều đình nhà Lê ban tặng được treo tại gian chính giữa. Hai gian bên cạnh cũng có bài trí hai bức đại tự, một bức ca tụng truyền thống học hành của dòng họ Lê qua 4 chữ: " Hàn Mặc Lưu Hương", nghĩa là bút mực để lại hương thơm, bức đại tự kia đề 4 chữ:" Vật báu hồ trinh" - gốc của mọi vật đều ở trời. Tại hàng cột ở gian chính giữa có treo đôi câu đối chữ hán như sau: 
Kế thế suy khôi khoa tiến sĩ, bảng nhãn,
Lệnh triều tế hiển quan thượng thư, quận công
+ Hậu cung:  Đây là nơi đặt khám gian, ngai và bài vị thờ " Đức thuỷ tổ", " Đức dưỡng tổ"của họ Lê và tượng của tiến sĩ Lê Phú Thứ, bảng nhãn Lê Quý Đôn và con trai của Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt. Phía trên ba bức tượng thờ có ghi dòng chữ Hán" lẫm lẫm anh phong"( anh hùng oai phong lẫm liệt).
- Những hiện vật tiêu biểu tại từ đường : 01 bia đá thời Lê, 03 khám thờ, 02 ngai và bài vị. Cùng nhiều đồ thờ niên đại Nguyễn
5. Lễ hội:
Hàng năm cứ vào ngày 12/4  nhân dân thôn Đồng Phú đã tổ chức rước chân hương của cụ bảng Đôn ra hội làng. Hội làng tổ chức 3 ngày với rất nhiều hoạt động văn hoấ cổ truyền như: tế lễ, đánh cờ và các trò chơi dân gian thu hút rất nhiều khách thập phương tới tưởng niệm cụ bảng Đôn và tham gia lễ hội.

* MỘT SỐ HÌNH ẢNH

 



bình luận

Tỉnh đoàn Thái Bình

Địa chỉ: Số 15, Đường Hoàng Diệu, phường Lê Hồng Phong, Thái Bình, Vietnam
Điện thoại: 0227 3831 238
Email: trinhthanhit@gmail.com
© Bản quyền thuộc về Tỉnh đoàn Thái Bình.