Cơ sở của anh Quyến (người thứ hai từ phải sang) tạo việc làm cho nhiều lao động.
Tuyệt vọng, chán nản, tự ti là cảm giác mà anh Nguyễn Ngọc Quyến, xã Đông Đô (Hưng Hà) đã từng phải đối mặt khi một tai nạn rủi ro đã lấy đi của anh đôi chân. Không gục ngã trước số phận, anh đã nỗ lực vươn lên, tích cực lao động để có thể tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. Trải qua nhiều vất vả, anh đã gây dựng cơ sở chuyên sản xuất và phân phối bánh đa cua, bánh phở, bánh canh cá, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Quyến chia sẻ: Bất kể là khuyết tật gì thì người khuyết tật (NKT) đều gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu đi một phần cơ thể là sự thiệt thòi rất lớn. Nhưng không vì thế mà NKT gục ngã. Ngược lại, họ phải nỗ lực, cố gắng hơn người bình thường rất nhiều bởi phía sau vẫn còn gia đình, vợ con...
Làm việc trong cơ sở của anh Quyến nhiều năm nay, anh Nguyễn Thành Toái, xã Châu Sơn (Quỳnh Phụ) rất khâm phục ý chí và nghị lực của anh Quyến. Anh Toái cho biết: Phát triển kinh tế đối với người bình thường đã khó, đối với NKT còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng anh Quyến đúng là người tàn nhưng không phế, anh rất năng động, tạo ra nhiều việc làm không những cho người bình thường mà còn cho cả những NKT khác.
Ở xã Thái Giang (Thái Thụy), không ai không biết chị Hoàng Thị Hảo. Vốn bị khuyết tật vận động từ bé nên cuộc sống của chị gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, chị đã chịu khó học tập, nỗ lực vươn lên để khẳng định giá trị của bản thân. Học và trải qua nhiều nghề để mưu sinh, giờ đây chị đang có một cửa hàng nhỏ kinh doanh đồng hồ, kính, phụ kiện điện thoại. Điều đó giúp chị tự chủ về kinh tế, chăm lo cho con cái ăn học.
Chị Hảo tâm sự: Với một người mẹ đơn thân bình thường đã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi mình là người khuyết tật cuộc sống càng khó khăn hơn. Nhận thức được thiệt thòi của mình, để tự vươn lên tôi phải rèn luyện thói quen tự lập từ ngày còn nhỏ. Chỉ có tinh thần tự lập, không ỷ lại mới giúp mình vươn lên. Khi có con, nhìn con khôn lớn từng ngày bản thân tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để chăm lo cho con nên người.
Đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng. Trong rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn đó, có những tấm gương đã vượt lên số phận, tự chủ cuộc sống và giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Họ đã chứng minh rằng NKT không những không phải là gánh nặng cho xã hội mà còn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời.
Quán nhỏ bán đồng hồ, kính, phụ kiện điện thoại giúp chị Hảo có điều kiện trang trải cuộc sống và chăm lo cho con cái ăn học.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi thường xuyên kết nối giữa NKT với các tổ chức để dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Ngoài ra chúng tôi còn có những hoạt động về giải ngân vốn vay quay vòng cho NKT, giúp hội viên mở rộng kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện dự án của Đan Mạch về nâng cao năng lực cho NKT, qua đó giúp NKT xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.