Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được ban hành với 6 chính sách mới đáng chú ý tạo cơ sở pháp lý, cung cấp thêm công cụ quản lý và mở ra phương thức quản lý mới trong hoạt động chuyển đổi số. Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt.
Theo Tổ công tác triển khai Đề án 06, từ sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số và Đề án 06 vào ngày 25/02/2023 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ; Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ tập trung đôn đốc các bộ, ngành nhằm mục tiêu “xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống tội phạm.” Với ứng dụng Định danh điện tử công dân (VNeID), người dân có thể tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa. Việc tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như: căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn... từ đó tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Trong công tác phòng, chống tội phạm, việc dùng căn cước công dân, VNelD đã tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, bảo đảm chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro; phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen;” xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “sim rác” hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa; đối chiếu khuôn mặt, giải quyết tình trạng thi hộ; ứng dụng vào công tác bắt giữ đối tượng truy nã...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Chuyển đổi số để phục vụ con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022. Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp và tạo đột phá trong chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06. Thủ tướng đề nghị cần tập trung vào 4 ưu tiên chính là phát triển cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phát triển nền tảng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Trong quá trình thực hiện các nhiện vụ về chuyển đổi số, cần huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung. Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành tạo đột phá mạnh mẽ về chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra những giá trị mới.…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2023 được xác định là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới và tin tưởng công cuộc chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.