Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Hoàng (Tiền Hải) chuẩn bị quà tết gửi cho chồng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Nam.
Với gia đình ông Vũ Đức Lân, thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ), lại một cái tết nữa vắng bóng người con trai Vũ Đức Quỳnh vì nhiệm vụ không về sum họp với gia đình. Mơ ước từ bé thơ được khoác lên mình màu xanh áo lính, chàng trai trẻ Vũ Đức Quỳnh đã chọn con đường binh nghiệp, thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1; sau khi tốt nghiệp, anh về Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân nhận công tác. Gắn duyên với biển đảo quê hương, lần lượt các đảo Tốc Tan, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Tây, Trường Sa đã in dấu chân và sức trẻ của người con quê hương Quỳnh Phụ. Ông Vũ Đức Lân chia sẻ: Biết con cùng đồng đội đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, khó khăn, gian khổ song cũng vinh dự, tự hào. Nơi hậu phương lúc nào chúng tôi cũng mong ngoài đó trời yên biển lặng, mong các con luôn giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đón tết vui tươi, đầm ấm cùng đồng chí, đồng đội nơi đảo xa. Cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa hãy vững tin, gia đình sẽ luôn là hậu phương vững chắc, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người lính kiên cường vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó.
Mỗi dịp xuân về, khi thấy những chuyến tàu vượt sóng to, gió lớn đưa cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ thay thu quân, thăm, chúc tết quân và dân huyện đảo Trường Sa, lòng mỗi người lính nơi đảo xa thêm ấm áp bởi hơi ấm đất liền lan tỏa. Qua sóng điện thoại, Thiếu tá Vũ Đức Quỳnh gửi gắm đất liền: Cán bộ, chiến sĩ công tác ngoài huyện đảo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đoàn kết, đồng lòng cùng nhân dân không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Dù đang công tác xa nhà nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp trong vòng tay đồng chí, đồng đội như anh em trong gia đình và muôn vàn tình cảm của đất liền gửi trao. Nhân dịp tết đến, xuân về xin gửi lời chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc tới gia đình và người dân trong đất liền.
Chiều biên cương, trong giá rét, đào rừng bung cánh ửng hồng, Thiếu tá Lê Minh Châu, quê xã An Dục (Quỳnh Phụ) vẫn cùng đồng đội Đồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ từng tấc đất quê hương nơi cực tây Tổ quốc. Đồn Biên phòng A Pa Chải nằm trên địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên), quản lý gần 40km đường biên, nơi có cột mốc số 0 tiếp giáp biên giới ba nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ biên giới và đấu tranh với các loại tội phạm vùng biên, Đồn đã thành lập 7 tổ, chốt với gần 30 cán bộ, chiến sĩ tại các khu vực cột mốc số 1, 5, 6 biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh việc phân công các chiến sĩ túc trực thường xuyên tại các điểm chốt, lực lượng biên phòng liên tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên toàn tuyến.
Những ngày cuối năm, chị Hòa Thị Hiền, vợ Thiếu tá Lê Minh Châu thêm tất bật, vừa lo công tác chuyên môn vừa chu tất việc gia đình khi thêm một cái tết vắng chồng. Anh công tác ở xa nhưng ngôi nhà nhỏ tại thôn An Lạc, xã An Dục của anh chị vẫn luôn ấm cúng bởi sự sẻ chia, giúp đỡ của gia đình, hàng xóm. Anh chị sinh ra và lớn lên cùng thôn, anh theo con đường binh nghiệp, công tác tại Đồn Biên phòng 417 Si Pa Phìn huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Như có duyên tiền định, một lần về phép anh vô tình gặp lại cô hàng xóm đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc trên cùng chuyến xe. Tình yêu của họ nảy nở, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đã đơm hoa kết trái sau khi chị Hiền được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Tân Phong, xã Si Pa Phìn đúng nơi anh Châu đóng quân. Chứng kiến công việc của bộ đội biên phòng (BĐBP) qua những chuyến tuần tra, xuống địa bàn dài hàng tuần hay những đêm mưa vượt núi, băng rừng chống buôn lậu, chống vượt biên..., chị Hiền thêm đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của anh và đồng đội. Năm 2016, chị chuyển công tác về Trường THCS An Dục, anh đi đơn vị mới, tuy xa nhau, có buồn có nhớ, đôi lúc cũng chạnh lòng khi thấy gia đình người khác quây quần bên nhau song vợ lính “quen rồi” bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai” - chị cười và chia sẻ với tôi như thế. Trái ngọt tình yêu của anh chị là 2 cháu Lê Minh Hòa, Lê Tấn Sang, thương bố mẹ công tác bận mải, xa nhà nên các cháu luôn có ý thức tự giác, chăm ngoan, học giỏi vâng lời ông bà, bố mẹ. Cháu Lê Tấn Sang, dù mới đang học lớp 8 nhưng luôn tự hào về công việc của bố, ước mơ một ngày được khoác lên mình bộ quân phục biên phòng như bố và đồng đội. Chị Hiền chia sẻ: Hàng ngày cả gia đình vẫn gặp nhau qua điện thoại, hôm nào không thấy hình ảnh chồng qua zalo, tôi biết là anh cùng đồng đội đang đi tuần tra; những hôm nghe dự báo thời tiết có không khí lạnh tăng cường tôi lại thương các anh nhiều hơn. Gia đình luôn mong các anh giữ sức khỏe, chân cứng đá mềm, yên tâm công tác, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng là vợ lính nên chị Nguyễn Thị Hòa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Hoàng (Tiền Hải) luôn thấu hiểu, cảm thông với công việc của chồng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Thiếu tá Phạm Trung Kiên, Đồn Biên phòng Cửa Lân cùng gần 100 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thái Bình tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới Tây Nam. Cùng 880 tổ, chốt của BĐBP dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, anh và đồng đội ngày đêm túc trực tại chốt kiểm soát Đồn Biên phòng Tân Hà, xã Tân Hà, huyện Tân Châu (Tây Ninh), quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 và các loại tội phạm. Ở lại hậu phương, chị Hòa cũng tích cực làm nhiệm vụ chuyên môn, phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Những ngày anh đi vắng cũng là thời điểm xã Đông Hoàng phát sinh dịch Covid-19, nhà gần nơi công tác nhưng chị cố gắng gác lại chuyện gia đình, gửi con nhờ người thân chăm sóc để lên tuyến đầu chống dịch. Chị Hòa chia sẻ: Tuy anh đi công tác xa nhưng ở hậu phương gia đình luôn có người thân, đồng nghiệp quan tâm, giúp đỡ. Mong các anh luôn giữ sức khỏe, yên tâm công tác, sớm hoàn thành nhiệm vụ. Sang năm mới, mong đất nước nhanh chóng qua dịch bệnh, mọi người được bình yên để trọn vẹn những phút giây sum họp cùng gia đình.
“Như người đứng gác đêm, thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi! Những người dân nước tôi mang con tim thời đại, đẹp lắm cuộc sống vì mọi người...” - câu hát âm vang trong tâm trí tôi khi chia tay gia đình những người lính. Mỗi người ở hậu phương luôn tin tưởng những tình cảm yêu thương sẽ tiếp động lực để các anh vượt qua gian lao cho không khí ấm áp của mùa xuân lan tỏa khắp mọi miền, mọi nhà.