1. TÓM TẮT DI TÍCHĐền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường tỉnh Thái Bình (thuộc phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình). Đền thờ Bác Hồ được khởi công xây dựng ngày 25-8-2014 và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được triển khai xây dựng từ tháng 10-2018 đến nay đã hoàn thành. Tổng diện tích công trình hơn 91 ha, bao gồm khu vực quảng trường, Đền thờ Bác Hồ, đường diễu hành, vườn cây xanh, hồ nước và các công trình phụ trợ.
Công trình mang ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, ghi dấu tình cảm đặc biệt của Bác Hồ đối với nông dân Việt Nam và lòng kính yêu, tưởng nhớ của nông dân Việt Nam đối với Bác Hồ.
2. ĐỊA ĐIỂMPhường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
3. MÔ TẢSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đối với Thái Bình, đặc biệt là nông dân Thái Bình. Cũng như nông dân Việt Nam nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng luôn dành tình cảm kính yêu vô bờ bến đối với Bác Hồ. Xuất phát từ tình cảm đó, giai cấp nông dân Việt Nam nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình nói riêng luôn ước nguyện được xây dựng một tượng đài biểu thị tình cảm của Bác Hồ với nông dân và nông dân với Bác Hồ.
Với ý nghĩa và giá trị to lớn, thời gian qua, công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đây là công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt và ý nghĩa chính trị to lớn, nhằm giáo dục truyền thống, tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; lưu giữ trường tồn những tình cảm của Bác Hồ dành cho nông dân Thái Bình nói riêng, giai cấp nông dân Việt Nam nói chung; thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của nông dân cả nước đối với Bác Hồ.
Đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống của Đồng bằng sông Hồng, đồng thời mang hơi thở của thời đại mới. Trên diện tích 3.500 m2, Đền tọa lạc trên đỉnh đồi cao, uy nghiêm và tạo được nhiều lớp kiến trúc, trong khuôn viên Quảng trường Thái Bình bên sông Trà Lý. Nghi môn đền là 4 trụ, 2 trụ lớn ở giữa và 2 trụ nhỏ hai bên theo lối tứ trụ truyền thống với các chi tiết trang trí vân mây cách điệu. Tả vu, hữu vu được đặt đăng đối 2 bên sân, trên mặt bằng chữ Nhất. Tiền tế có cấu trúc 3 gian 4 cột, vì kèo chồng rường, bảy mái liên kết với hàng cột hiên gian đại bái. Đại bái có cấu trúc 5 gian, kiến trúc vì kèo kiểu chồng rường - giá chiêng - bảy mái. Các góc đao của tiền tế, đại bái dâng đao mái mềm mại. Hậu cung là 3 gian vuông góc với 5 gian đại bái tạo thành kiến trúc chữ Đinh. Tại hậu cung vào gian chính giữa được nâng thêm một tầng mái (dạng cổ lầu) tạo không gian thoáng mát cho ngôi đền.
Từ xa Đền thờ Bác như một bông hoa sen đang nở. Các cánh sen là các đao mái của công trình vươn dần lên cao. Bậc cấp, lan can, sân bằng đá xanh với hoa văn trang trí mềm mại. Lối lên Đền thờ với 3 đoạn cách điệu dáng rồng, thể hiện sự uy nghiêm. Hương án, bàn thờ, hoành phi, câu đối, đại tự, cửa võng... được làm bằng gỗ vàng tâm, sơn son thếp bạc phủ hoàng kim theo truyền thống Việt Nam. Đền thờ Bác Hồ mang phong cách Á Đông, gần gũi, trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là công trình tâm linh để Nhân dân, nhất là bà con nông dân cả nước, du khách gần xa có dịp bày tỏ lòng biết ơn, niềm thành kính, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị cha già dân tộc.
Công trình được làm với chất liệu bằng đá xanh, nhóm tượng 13 nhân vật, trong đó Bác Hồ là nhân vật trung tâm với chiều cao tượng là 5,04 m, các nhân vật còn lại đại diện cho các thế hệ, người già, các cụ bô lão, trung niên, thanh niên và trẻ em nông thôn Việt Nam, có chiều cao trung bình là 4,6 m, đứng xung quanh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhóm các mảng phù điêu có kích thước và vị trí cao nhất là 15,3 m, vị trí thấp nhất là 8,6 m; chiều dài tổng thể 108 m. Trong đó mặt trước thể hiện hình ảnh về nông thôn, nông dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. Mặt sau thể hiện một số hình ảnh về hoạt động sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa và hình ảnh di tích đặc trưng của tỉnh Thái Bình. Bằng tất cả các đường nét hài hòa và tinh tế, tượng đài đã thể hiện đậm nét và sinh động những tình cảm mà lúc sinh thời, Bác dành cho giai cấp nông dân và mỗi người nông dân đối với Bác
Xung quanh tượng đài là các mảng phù điêu thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của nông dân Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là hình ảnh làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước... những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình. Làng quê văn minh, đổi mới, đời sống người nông dân sung túc, ấm no luôn là ước nguyện của Người.
Công trình có bố cục đẹp, độc đáo, tỷ lệ tương xứng đồng đều, mang tính mỹ thuật cao. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam không chỉ là công trình văn hóa ý nghĩa, là điểm đến hấp dẫn của Nhân dân cả nước, du khách nước ngoài để tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây còn là biểu tượng cao đẹp hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau.
4. MỘT SỐ HÌNH ẢNH