Đẩy mạnh chuyển đổi số y tế từ tỉnh đến cơ sở
Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã đề ra các mục tiêu như: Đẩy mạnh tin học hóa lĩnh vực quản lý, ứng dụng hiệu quả CNTT; bảo vệ thông tin cá nhân; triển khai thanh toán số và tạo môi trường y tế văn minh, đáp ứng yêu cầu, xu hướng hiện nay...
Bác sĩ Vũ Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số. Hiện hệ thống giám định BHYT qua mạng liên thông của Bệnh viện đã dần hoàn thiện. Các khoa, phòng đã được hướng dẫn sử dụng tài khoản telehealth, đăng ký tài khoản tiền giám định BHYT; triển khai phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt; duy trì hoạt động phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm và hệ thống chẩn đoán, lưu trữ hình ảnh. Đối với việc triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện đã xây dựng đề án; thực hiện đăng ký và cài đặt chữ ký số cho bác sĩ; xin ý kiến về việc triển khai ký số trên bệnh án và tham mưu ban hành các quyết định về quản lý chứng thư số, chữ ký điện tử, chữ ký số và sinh trắc học...
Hiểu được lợi ích, xu hướng tất yếu phải chuyển đổi số, cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã tích cực triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng KCB. Tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, chuyển đổi số được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Hiện nay, Bệnh viện chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý KCB đồng bộ từ khâu tiếp đón đến kết thúc khám và điều trị, toàn bộ hồ sơ giấy tờ được quản lý và in trực tiếp từ phần mềm; ứng dụng zalo để chuyển tải thông tin nội bộ và các quy định, quyết định, thông tư tới toàn thể viên chức và người lao động trong Bệnh viện. Ngoài ra Bệnh viện đã lắp đặt hệ thống máy quét mã vạch công nghệ cao tại bộ phận tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; người bệnh được hướng dẫn thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Bắt nhịp chuyển đổi số, các trạm y tế trong tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm theo dõi, quản lý công tác tiêm chủng, bệnh không lây nhiễm... Theo thống kê của Sở Y tế, hiện 100% trạm y tế trong tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý thông tin y tế.
Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không một ngành nào có thể đứng ngoài cuộc. Với ngành y tế, Sở đã ban hành Quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số ngành y tế tỉnh Thái Bình, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Đến nay, công tác chuyển đổi số y tế của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Toàn ngành đã triển khai thực hiện quản lý văn bản và điều hành điện tử; tích hợp chữ ký số trong chuyển, gửi văn bản điện tử; triển khai hệ thống CNTT hiện đại tại bộ phận một cửa; quản trị, vận hành, khai thác, sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Cùng với đó, toàn ngành đã thực hiện liên thông dữ liệu KCB BHYT; 100% quầy thuốc, nhà thuốc sử dụng phần mềm quản lý bán thuốc theo đơn; 100% cơ sở KCB thực hiện phần mềm quản lý thông tin KCB trong công tác chuyên môn; mạng lưới KCB từ xa hoạt động hiệu quả. Các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện đã tạo, niêm yết tài khoản, mã QR code để người bệnh thanh toán…
Chuyển đổi số - “được” cả 3 phía
Cho con đến khám dinh dưỡng tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, chị Đinh Thị Huê, xã Nam Trung (Tiền Hải) cảm thấy thoải mái vì thủ tục KCB, thanh toán được thực hiện nhanh chóng, không mất nhiều thời gian chờ đợi. Chị Huê chia sẻ: So với trước đây, các thủ tục đăng ký khám bệnh được thực hiện nhanh hơn, rút ngắn quy trình, thời gian chờ đợi. Việc ứng dụng CNTT đã giúp người bệnh không phải cầm nhiều giấy tờ trong quá trình khám.
Bệnh viện Nhi Thái Bình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Không chỉ mang đến lợi ích cho người bệnh, chuyển đổi số y tế còn tạo thuận lợi cho cả bác sĩ, nhân viên y tế và những người làm công tác quản lý lĩnh vực y tế. Bác sĩ Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chia sẻ: Khi dữ liệu người bệnh được quản lý tập trung trên phần mềm giúp người quản lý giám sát việc thực hiện công việc tốt hơn; nhanh chóng nắm bắt các chỉ số chuyên môn, kịp thời điều chỉnh để nâng cao chất lượng khám, điều trị… Người bệnh làm các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi. Các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp cận thông tin người bệnh nhanh chóng, chính xác, không mất thời gian tìm kiếm hồ sơ, giấy tờ, từ đó có nhiều thời gian hơn để thăm khám, tư vấn cho người bệnh.
Điều dưỡng trưởng Bùi Thị Hương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng cho biết: Trước đây, thực hiện đăng ký khám bệnh dùng sổ nên chúng tôi mất nhiều thời gian tìm kiếm, thậm chí là bị nhầm lẫn. Người bệnh chen lấn, xô đẩy, ai cũng muốn nhanh để đến lượt mình. Đến nay, việc đăng ký và chờ khám đã thuận lợi hơn, qua màn hình chờ điện tử, người bệnh sẽ biết khi nào đến lượt mình. Thời gian chờ khám cũng giảm một nửa so với trước và thay vì chỉ dùng thẻ BHYT để khám, hiện nay người bệnh có thể sử dụng cả ứng dụng VssID, căn cước công dân gắn chip. Mọi công việc làm trên phần mềm, hạn chế giấy tờ, vì thế chúng tôi cảm thấy rất thuận lợi, bớt áp lực.
Nỗ lực vượt khó, thực hiện hiệu quả mục tiêu về chuyển đổi số
Với sự nỗ lực của toàn ngành, chuyển đổi số lĩnh vực y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng KCB, mang đến sự hài lòng cho người dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đơn vị y tế, việc chuyển đổi số y tế hiện vẫn còn một số khó khăn. Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, dù máy in, máy tính đã được đầu tư song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; hạ tầng mạng và hệ thống phần mềm chưa được quy hoạch tổng thể, không đồng bộ gây khó khăn trong quản trị và vận hành; cấu hình máy chủ thấp… Với Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, hạ tầng CNTT của Bệnh viện được đầu tư từ năm 2012, nhiều máy móc, trang thiết bị đã xuống cấp. Dù hàng năm đã đầu tư nâng cấp và bảo trì song vẫn còn nhiều thiết bị có cấu hình thấp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng CNTT còn hạn chế do cán bộ phải tập trung cho chuyên môn KCB. Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị y tế còn chậm…
Với sự nỗ lực, quyết tâm, các đơn vị y tế trong tỉnh đang tập trung khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số. Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hạ tầng CNTT; tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác đầu tư cho mua sắm trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu, hình ảnh, KCB từ xa. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả, nhanh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế. Duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện văn bản điện tử và chữ ký số trong hoạt động của ngành. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp để thu và thanh toán viện phí, mua sắm tài sản, thiết bị… bằng phương thức không dùng tiền mặt. Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân hưởng ứng, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu chung về chuyển đổi số của tỉnh.