Lần này, bà Mai Thị Hương, xã Đông La đến Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng để khám bệnh thấy việc đón tiếp, lấy phiếu tự động, làm thủ tục nhanh gọn hơn trước vì Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip cho mọi người.
Bà Hương chia sẻ: Trước đây, đi khám bệnh, tôi và mọi người phải xếp hàng chờ rất lâu mới đến lượt. Nhiều giấy tờ mang đi phải xuất trình để làm thủ tục khám, chỉ cần quên một loại giấy tờ nào là phải về nhà lấy, mất nhiều thời gian. Giờ Bệnh viện áp dụng lấy số tự động mọi người không phải chờ đợi lâu nữa, cũng chỉ cần mang căn cước công dân gắn chip đi làm thủ tục, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, mọi quy trình đều nhanh gọn, thuận tiện.
Chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh được Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng ưu tiên là nhiệm vụ hàng đầu nên đã đầu tư nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh đồng bộ từ tiếp đón, khám bệnh đến kết thúc khám và điều trị. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ được quản lý và in trực tiếp từ phần mềm. Bệnh viện lắp đặt hệ thống máy quét mã vạch công nghệ cao tại bộ phận tiếp đón, hướng dẫn người bệnh, tiếp nhận khám bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: thẻ BHYT, qua ứng dụng VssID, căn cước công dân gắn chip... để tạo thuận lợi tối đa trong quá trình tiếp đón người bệnh. Bệnh viện cũng đã triển khai và hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt qua các ứng dụng liên thông kết nối với nhiều ngân hàng khác nhau, phát hành hóa đơn điện tử, cung cấp thông tin tra cứu hóa đơn cho người bệnh đến khám và điều trị nhằm minh bạch thông tin.
Anh Đinh Gia Hoàng, xã An Vinh (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi chỉ cần dùng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động của mình là có thể thanh toán được viện phí mà không cần mang theo tiền mặt. Với cách này tôi và mọi người không phải chờ đợi, cũng không lo sợ rủi ro phát sinh khi thanh toán bằng tiền mặt như trước.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng đã triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm ứng dụng như chụp cắt lớp vi tính, chụp cắt lớp nội soi tiêu hóa, chụp X-quang kỹ thuật số, giải phẫu bệnh, duy trì 10 máy chạy thận nhân tạo cho khoảng 60 bệnh nhân. Lắp đặt phòng họp, giao ban, tập huấn... trực tuyến với các phương tiện công nghệ nghe, nhìn tiên tiến. Qua hệ thống mạng văn phòng và ứng dụng zalo để chuyển tải các thông tin nội bộ, các công văn, quy định, quyết định, thông báo chỉ đạo của cấp trên thông qua các nhóm quản lý tới toàn thể viên chức và người lao động trong bệnh viện.
Ông Phạm Văn Thuy, xã Phong Châu chia sẻ: Tôi chạy thận đã mấy năm nay, trước phải điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xa và tốn kém. Giờ về Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng gần nhà, thiết bị cũng hiện đại, nhàn và yên tâm.
Bác sĩ Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng cho biết: Khi Bệnh viện thực hiện chuyển đổi số, người bệnh được thụ hưởng nhiều tiện ích, góp phần giảm đáng kể các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Điều này cũng giúp cán bộ y tế giảm thời gian làm thủ tục hành chính, có nhiều thời gian cho công tác khám chữa bệnh. Dữ liệu người bệnh được quản lý tập trung trên phần mềm giúp Bệnh viện nhanh chóng nắm bắt các chỉ số chuyên môn kịp thời điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị; giúp bác sĩ tiếp cận với thông tin người bệnh nhanh chóng, chính xác. Trong năm nay và những năm tiếp theo, Bệnh viện sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ và chuyền tải hình ảnh y học trong chẩn đoán bệnh, hệ thống tự động lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm... Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, bác sĩ, người lao động.
Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng với 250 cán bộ, nhân viên y tế và người lao động trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 500 - 600 lượt người đến khám, điều trị nội trú cho 300 - 350 lượt bệnh nhân. Do vậy, chuyển đổi số mạnh mẽ đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khẳng định thương hiệu của Bệnh viện, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người dân khi đến khám chữa bệnh.