Gương người tốt việc tốt
Anh dũng thời chiến năng động thời bình
09/06/2023 08:06
42 0
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người con quê hương Thái Bình đã anh dũng chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần cùng toàn dân, toàn quân ta chiến đấu và chiến thắng, viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông nối liền một dải, “Bắc Nam sum họp một nhà”.

Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp những người lính đã từng làm nên những chiến dịch “chấn động địa cầu” để được nghe họ kể lại những ký ức hào hùng của một thời tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Trong chia sẻ của các cựu chiến binh (CCB), chúng tôi thực sự ấn tượng với câu chuyện của CCB Tạ Xuân Chính, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Đặc công Lữ đoàn 126. Ông xúc động kể: Tôi nhập ngũ tháng 6/1970, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, trong đó tham gia 4 chiến dịch lớn: chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc. Qua mỗi chiến dịch, chúng tôi đã cùng nhau nếm trải những khó khăn từ đói rét, bệnh tật, thiếu ngủ, hành quân xuyên đêm đến giây phút đối mặt với quân địch nhưng tất cả đều chung tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đầu tháng 4/1975, giữa lúc quân ta thực hiện đợt tổng tiến công giải phóng miền Nam, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho lực lượng Hải quân giải phóng Trường Sa - một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế. Trên các tàu đánh cá, quân ta bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, các mũi tiến công ào lên dữ dội, bất ngờ đánh chiếm các mục tiêu và đến ngày 29/4/1975 quân ta đã làm chủ Trường Sa.

Còn với CCB Nguyễn Văn Pha, xã Thái Phúc (Thái Thụy), những năm tháng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông. 

Ông Pha trầm tư hồi tưởng: Thành cổ Quảng Trị ngày đó như “cối xay thịt” bởi vào thì dễ nhưng ra thì khó. Hàng chục nghìn trái tim dũng cảm đã “ngã xuống” ở mảnh đất này mở đường cho những thất bại liên tiếp của quân địch trên các chiến trường khác để sau đó chúng ta làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975. Tháng 3/1975, đơn vị tôi từ Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn, lúc đó không ai nghĩ đến sống chết, tất cả vì mục tiêu là giải phóng miền Nam. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Đúng trưa ngày 30/4/1975, đơn vị chúng tôi tiến vào trước cửa dinh Độc Lập. Lúc đó, không thể kể hết sự phấn khích của người dân đổ ra đường hò reo, vẫy cờ mừng chiến thắng. Nghe radio thông báo chúng ta đã giành chiến thắng hoàn toàn tôi và tất cả đồng đội ôm nhau mà nước mắt rưng rưng vì sung sướng, hạnh phúc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tất cả vì miền Nam ruột thịt, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến; trên 21 vạn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc (18%); chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến. Hơn 34.000 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, 32.500 người hiến dâng một phần xương máu nơi chiến trường, gần 34.000 người bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Trong mỗi thời khắc lịch sử, trong mọi chiến công của quân và dân cả nước đều có xương máu và đóng góp của những người con Thái Bình. Rất nhiều người con ưu tú của quê hương đã ghi những mốc son chói lọi như: đồng chí Bùi Quang Thận cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Ðộc Lập, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân...

Từ khi đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu như năm 1966, Thái Bình tỉnh dẫn đầu miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi đó, thì nay Thái Bình là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM) với 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đang hoàn thiện thủ tục công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Toàn tỉnh đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển 22 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến. Những kết quả đó đã làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo nông thôn Thái Bình theo hướng văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2021 giảm còn 2%. 

CCB Đào Trọng Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sao Mai cho biết: Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình là được sống để chứng kiến ngày thắng lợi, trở về và chứng kiến đất nước mình ngày càng phát triển. So với 47 năm về trước, đất nước Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng có sự phát triển vượt bậc. Dân tộc ta chiến thắng được ngoại xâm và đạt được những thành tựu to lớn như hôm nay là có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta. Tất cả mọi người dân chúng tôi đều đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Hơn 2 năm qua, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy tỉnh đã có nhiều đổi mới trong tư duy, tập trung tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đưa Thái Bình chuyển mình mạnh mẽ trên bước đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khẳng định vị thế trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Nếu như trước đây Thái Bình là “ốc đảo” với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, thì nay hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư đồng bộ với nhiều cây cầu, tuyến đường bộ ven biển và một số công trình giao thông lớn được đầu tư xây dựng, kết nối tỉnh ta với các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ, đưa Thái Bình trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động, điểm thu hút đầu tư hấp dẫn trong khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Cùng với đó, Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ vậy, năm 2021 kinh tế toàn tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,68%; 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế tăng trưởng 7,44% so với cùng kỳ năm 2021. Các dự án lớn trong khu công nghiệp Liên Hà Thái - khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình đang tích cực được triển khai thực hiện và khi đi vào hoạt động sẽ mở ra một giai đoạn mới, tạo đà để Thái Bình bắt nhịp với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong cả nước.




bình luận

Tỉnh đoàn Thái Bình

Địa chỉ: Số 15, Đường Hoàng Diệu, phường Lê Hồng Phong, Thái Bình, Vietnam
Điện thoại: 0227 3831 238
Email: trinhthanhit@gmail.com
© Bản quyền thuộc về Tỉnh đoàn Thái Bình.